- Tóm tắt
Trong những năm gần đây có sự gia tăng bệnh lao nói chung và lao da nói riêng. Nguyên nhân có thể do sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch ngày càng nhiều, đại dịch HIV/AIDS và sự phát triển du lịch, di cư, nhập cư. Tuy nhiên lao da là một bệnh không phổ biến và khó chẩn đoán nên nhiều trường hợp bệnh không được điều trị sớm. Scrofuloderma là một bệnh lao da mà ổ nhiễm khuẩn ban đầu có thể là từ hạch, xương hoặc các tổ chức khác. Chúng tôi xin giới thiệu một trường hợp bệnh nhân scrofuloderma được chẩn đoán muộn nhưng đáp ứng tốt với các thuốc chống lao.
- Mô tả trường hợp bệnh
Bệnh nhân nam 25 tuổi, bị mù mắt từ nhỏ, làm nghề hát rong. Bệnh diễn biến 3 năm nay (từ năm 2009). Thương tổn ban đầu là 2 khối viêm, nhô cao, vị trí: hai bên cổ, gần góc hàm. Thương tổn về sau có mưng mủ, chảy dịch, mủ vàng, có nơi tự lành, khi lành để lại sẹo màu đỏ tím, co kéo da lành. Sau đó xuất hiện thêm nhiều thương tổn mới phía dưới, dọc theo vòng cổ với các tính chất và diễn biến tương tự, tạo thành đám loét lớn, chảy dịch mủ, lâu lành, hạn chế vận động cổ. Một năm nay xuất hiện thêm thương tổn ở trước nách trái. Bệnh nhân đã được dùng thuốc theo hướng lao trong 3 tháng, bệnh chưa đỡ, ngày càng có nhiều thương tổn loét hơn. Không có tiền sử chấn thương, không sốt, không ho kéo dài, không hút thuốc lá, không nghiện chất, không sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch.
Khám lâm sàng
Thương tổn cơ bản:
- Đám loét kích thước lớn ở quanh cổ, dưới hàm, sau tai, tạo hình vòng cổ, nhiều vảy tiết vàng, khô hoặc ướt, chảy mủ trắng khi ấn xuống.
- Xung quanh là các sẹo màu đỏ tím, co kéo da lành.
- Ở giữa còn vùng da lành.
- Không có các lupome.
- Thương tổn với tính chất tương tự ở trước nách trái
- Hạch cổ hai bên to, ấn đau, di động, rò mủ.
Toàn thân
- Thể trạng gầy (39kg)
- Không sốt
- Hạn chế vận động cổ
Hình 1, 2, 3. Thương tổn là các đám loét, chảy mủ trắng, nhiều vảy tiết dày, vàng hoặc đen, khi lành để lại sẹo màu tím co kéo da lành. Nhiều ổ rò mủ từ dưới lên. Hạch cổ hai bên to, ấn đau, di động, rò mủ
Các xét nghiệm:
- Phản ứng tuberculin dương tính (sẩn phù màu đỏ, 12 mm đường kính)
- Nhuộm soi không thấy trực khuẩn kháng cồn, kháng toan (AFB).
- PCR tìm lao âm tính (cả hai lần).
- Nuôi cấy Mycobacterium âm tính.
- Giải phẫu bệnh: phản ứng nang với sự có mặt của tế bào đa nhân khổng lồ, tế bào bán liên, các tế bào viêm, không thấy trực khuẩn kháng cồn kháng toan.
- Có nấm Candida tại thương tổn, không có nấm sâu.
- Nuôi cấy vi khuẩn âm tính.
- Máu lắng tăng:
- 1 giờ: 86mm
- 2 giờ: 94mm
- X-quang tim phổi: không có hình ảnh của lao.
- Định lượng tế bào TCD4: 525 tế bào/µl.
A B
Hình 4, 5. Mô bệnh học thương tổn da: A.Tế bào
đa nhân khổng lồ; B. Tế bào bán liên
Chẩn đoán xác định: Scrofuloderma
Chẩn đoán phân biệt
Các chẩn đoán phân biệt được chúng tôi đặt ra là: bệnh nấm actinomyces, gôm giang mai, viêm da mủ hoại thư, lupus lao, loét lao, bệnh do Mycobacterium không điển hình. Những điểm phù hợp và không phù hợp được tóm tắt trong bảng sau:
Bệnh |
Điểm phù hợp |
Điểm không phù hợp |
Actinomycose |
Vị trí thương tổn: cổ
Thương tổn cơ bản: loét, chảy mủ vàng, có máu |
Hạch cổ to
Nhuộm soi và nuôi cấy không thấy nấm sâu
Mô bệnh học không có nấm, mà có phản ứng nang |
Gôm giang mai |
Tiến triển của thương tổn, đặc điểm của thương tổn |
Không có các triệu chứng khác của giang mai 3
Phản ứng huyết thanh giang mai âm tính |
Viêm da mủ
hoại thư |
Thương tổn loét, chảy máu, mủ, đau nhiều, xét nghiệm không thấy nấm, vi khuẩn |
Không có bờ màu tím điển hình
Chưa loại trừ được hết các nguyên nhân khác như mycobacterium |
Bệnh da M. avium |
Tính chất của thương tổn |
Xảy ra trên cơ địa không suy giảm miễn dịch |
Bệnh |
Điểm phù hợp |
Điểm không phù hợp |
Lupus lao |
Phản ứng tuberculin dương tính
Mô bệnh học có phản ứng nang, không có trực khuẩn kháng cồn kháng toan tại thương tổn |
Không có các củ lao
Không lành sẹo ở giữa
Nang lao không điển hình
Có thương tổn hạch
PCR lao âm tính
Nuôi cấy lao âm tính |
Loét lao |
Vị trí thương tổn
Đặc điểm loét
Cơ địa gầy yếu |
Phản ứng tuberculin dương tính
Mô bệnh học không thấy trực khuẩn lao |
Scrofuloderma |
Vị trí thương tổn
Tiến triển của thương tổn
Thương tổn da-hạch
Phản ứng tuberculin dương tính
Mô bệnh học có phản ứng nang
Tốc độ máu lắng tăng |
PCR lao âm tính
Nuôi cấy âm tính |
Bệnh nhân đã được chẩn đoán là scrofuloderma vì có nhiều điểm phù hợp nhất. Sau 3 tháng điều trị bằng thuốc chống lao (rifampicin, ethambutol, streptomycin, isoniazid, pyrazinamid), thương tổn da đáp ứng tốt, không còn lỗ rò, hết mủ và vảy tiết, lên sẹo tốt.
Hình 6, 7, 8. Thương tổn tiến triển tốt sau 3 tháng điều trị bằng các thuốc chống lao: không còn lỗ rò, hết mủ, hết vảy tiết, không có thương tổn mới.
- Bàn luận
Lao da là một bệnh ít gặp, với tỷ lệ 3,5% trong số các bệnh nhân lao nội tạng [4]. Scrofuloderma là thể lao da phổ biến nhất, hầu hết có nguồn gốc từ lao xương, khớp, hạch [2]. Trường hợp bệnh nhân của chúng tôi nghĩ nhiều tới nguồn gốc lao hạch vì ban đầu có nhiều thương tổn hạch to, chảy mủ. Trên phim chụp tim phổi không thấy thương tổn lao ở xương, phổi. Tuy xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn, PCR với lao âm tính nhưng chúng tôi vẫn chẩn đoán la scrofuloderma vì hình ảnh lâm sàng khá điển hình, giải phẫu bệnh có phản ứng nang lao với sự có mặt của tế bào bán liên, tế bào đa nhân khổng lồ, nhiều bạch cầu lympho. Mặt khác bệnh nhân này đáp ứng rất tốt với các thuốc chống lao.
Mặc dù nuôi cấy lao dương tính là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh lao, PCR có thể có độ nhạy cao hơn nuôi cấy. Một ưu điểm khác của PCR là cho phép chẩn đoán sớm và xây dựng phác đồ điều trị cho những bệnh nhân này. Trong một ngiên cứu của Negi so sánh độ nhạy của xét nghiệm PCR với nhuộm soi thông thường bằng Zieln-Nensen (ZN), nuôi cấy trên môi trường Lowenstein-Jensen cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa về độ nhạy như sau: PCR 74,4%; nhuộm soi ZN 33,79%; nuôi cấy 48,9%. Với bệnh nhân của chúng tôi, kết quả PCR âm tính trong cả hai lần xét nghiệm, điều này, một phần, có thể do bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc chống lao trước đó hoặc lấy mẫu bệnh phẩm không chính xác. Các tác giả ở Singapore cho rằng khi nghi ngờ thương tổn lao ít vi khuẩn, kết quả PCR âm tính không loại trừ được chẩn đoán lao da, nhưng khi kết quả dương tính có thể củng cố thêm chẩn đoán lao da và bệnh nhân nên được điều trị bằng thuốc chống lao [3]. Trong một nghiên cứu khác cho thấy chỉ có 1 trong 3 bệnh nhân scrofuloderma có kết quả PCR dương tính và bệnh nhân đó cũng có kết quả dương tính khi nhuộm soi và nuôi cấy M. tuberculosis [1]. Khi scrofuloderma là thể ít vi khuẩn thì kết quả PCR âm tính không phải là không mong muốn. Bên cạnh đó, các dịch tiết nên được làm xét nghiệm về vi khuẩn và nấm (nhuộm soi, nuôi cấy).
Sau 3 tháng điều trị bằng thuốc chống lao kết hợp với cắt lọc thương tổn, dẫn lưu mủ, thương tổn của bệnh nhân tiến triển tốt, toàn trạng của bệnh nhân được cải thiện, chất lượng cuộc sống tốt hơn, xét nghiệm chức năng gan thận trong giới hạn bình thường, không có biểu hiện dị ứng với thuốc chống lao. Hiện tại bệnh nhân vẫn tiếp tục uống thuốc chống lao với hai loại ethambutol và isoniazid, thời gian điều trị có thể kéo dài thêm 5 tháng nữa.
- Kết luận
Bệnh lao da là một bệnh hiếm gặp, các xét nghiệm để chẩn đoán thường ít khi cho kết quả dương tính do đó việc chẩn đoán trở nên khó khăn hơn. Khi triệu chứng lâm sàng gợi ý lao da và có xét nghiệm củng cố chẩn đoán, bệnh nhân nên được điều trị kịp thời bằng các thuốc chống lao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Arora SK, Kumar B, Sehgal S. Development of a polymerase chain reaction dot-blotting system for detecting cutaneous tuberculosis. Br J Dermatol 2000; 142:72-6.
2. Fitzpatrict’s dermatology in general medicine (2010), Tuberculosis and Infections with Atypical Mycobacteria, p. 1769-1788.
3. Tan SH, Tan HH, Sun YJ, Goh CL. Clinical utility of polymerase chain reaction in the detection of Mycobacterium tuberculosis in different types of cutaneous tuberculosis and tuberculosis. Ann Acad Med Singapore 2001; 30:3-10.
4. Yates VM, Ormerod LP. Cutaneous tuberculosis in Blackburn district (U.K): a 15-year prospective series, 1981-95. Br J Dermatol 1997; 136:483-9.
Bài và ảnh: BS Trần Thị Huyền, khoa D2-Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bộ môn Da liễu-Đại học Y Hà Nội.
Đăng bài: Phòng CNTT&GDYT